CÔN ĐẢO KHU RAMSAR BIỂN ĐẢO ĐỘC ĐÁO

Tuesday, 21/10/2014, 07:32 GMT+7

Vườn quốc gia Côn Đảo được thành lập theo Quyết định 135/TTg ngày 31/3/1993 của Thủ Tướng Chính phủ, bao gồm 14 hòn đảo và vùng biển xung quanh các đảo, thuộc vùng biển phía Đông Nam của tổ quốc. Diện tích của Vườn quốc gia Côn Đảo là 19.990,7 ha, trong đó: diện tích trên các đảo 5.990,7 ha và vùng biển xung quanh các đảo 14.000 ha; ngoài ra còn có diện tích vùng đệm biển là 20.500 ha. Ngày 18/6/2013 Vườn quốc gia Côn Đảo đã được Ban Thư ký Công ước Ramsar thế giới công nhận là một trong 2.203 Khu đất ngập nước quan trọng quốc tế (Wetlands of International Importance). Như vậy, VQG Côn Đảo là Khu đất ngập nước quan trọng (gọi tắt là khu Ramsar) thứ 6 và là khu Ramsar biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

“Đất ngập nước (ĐNN) là những vùng đầm lầy, than bùn hoặc vùng nước bất kể là tự nhiên hay nhân tạo, thường xuyên hay tạm thời, có nước chảy hay nước tù, là nước ngọt, nước lợ hay nước biển, kể cả những vùng nước biển có độ sâu không quá 6m khi triều thấp”. Với định nghĩa này ĐNN ở Côn Đảo rất đa dạng về kiểu loại, phong phú về tài nguyên, đa dạng sinh học (ĐDSH) cao, có nhiều chức năng và giá trị (kinh tế, xã hội, môi trường…) rất quan trọng. Với hơn 2.200 ha, ĐNN phân bố ở hầu khắp các vùng sinh thái trên quần đảo, gắn bó lâu đời với cộng đồng dân cư, có vai trò to lớn đối với đời sống nhân dân và phát triển kinh tế Huyện đảo. Đất ngập nước có nhiều chức năng rất quan trọng như: nạp và tiết nước ngầm, cung cấp nước ngọt, điều hòa sinh thái và khí hậu, hạn chế lũ lụt, chắn sóng và chắn gió bão, chống xói lở và ổn định bờ biển, là nơi du lịch giải trí, duy trì đa dạng sinh học, tạo môi trường hoạt động cho nhiều ngành sản xuất.

Vùng ĐNN ở Côn Đảo có những chức năng chính là:

- Chức năng nạp và tiết nước ngầm: nhờ chức năng quan trọng này mà người dân Côn Đảo duy trì được nguồn nước ngọt phục vụ đời sống sinh hoạt trong suốt mùa khô. Vào mùa mưa khi dư lượng nước mặt lớn, các vùng đất ngập nước (Hồ An Hải, Hồ Quang Trung, suối Ông tà…) có tác dụng như một bể chứa nước để sau đó nước ngấm dần vào lòng đất trong mùa khô. Quá trình này diễn ra liên tục nhằm bổ sung lượng nước cho các tầng nước ngầm, và làm cho các tầng nước ngầm trở nên sạch hơn.

- Chức năng lắng đọng trầm tích, độc tố: các vùng đất ngập nước đặc biệt là rừng ngập mặn, bãi triều, vùng vịnh ven bờ…) có tác dụng như là các bể lắng giữ lại trầm tích, các chất ô nhiễm, độc hại và chất thải nói chung, góp phần làm sạch nước và hạn chế ô nhiễm môi trường nước biển.

- Chức năng điều hòa vi khí hậu: đặc biệt, ở vùng có cỏ biển, rừng ngập mặn, rạn san hô, góp phần cân bằng o2 và co2 trong khí quyển, điều hòa khí hậu địa phương (nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa) và giảm hiệu ứng nhà kính.

- Chức năng hạn chế lũ lụt: ĐNN (rừng ngập mặn, các hồ nhân tạo, các suối tự nhiên…) có thể đóng vai trò như bồn chứa lưu giữ nước mưa và dòng chảy mặt, góp phần giảm lưu lượng dòng chảy lũ và hạn chế lũ lụt.

- Chức năng duy trì ĐDSH: nhiều vùng đất ngập nước, đặc biệt đất ngập nước có rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, là môi trường thích hợp cho việc cư trú, đẻ trứng, sinh sống và phát triển của nhiều loài động, thực vật hoang dã.

- Chức năng chắn sóng, chắn gió bão ổn định bờ biển, chống xói lở, hạn chế sóng thần. Nhờ có thảm thực vật, đặc biệt thảm thực vật rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô mà các vùng ĐNN ven biển có chức năng bảo vệ bờ biển khỏi bị tác động của sóng, thủy triều, xói lở, sóng thần. Ngoài các chức năng quan trọng ở trên thì còn rất nhiều chức năng quan trọn khác như cung cấp cảnh quan cho du lịch sinh thái đặc biệt là du lịch lặn biển ngắm san hô.

Để được công nhận là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế thì phải đạt ít nhất 1 trong 9 tiêu chí do công ước Ramsar quy định, và Vườn quốc gia Côn Đảo được công nhận 5 tiêu chí, đây cũng chính là những giá trị lớn của vùng đất ngập nước mang lại sự phát triển kinh tế và đời sống của người dân huyện đảo:

1. Vườn quốc gia Côn Đảo là mẫu chuẩn về sự độc đáo, hiếm, và đại diện cho một kiểu đất ngập nước tự nhiên có trong vùng địa lý sinh học đặc biệt với hợp phần biển có 3 hệ sinh thái điển hình của Vùng biển nhiệt đới là hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái cỏ biển và hệ sinh thái rạn san hô.

Rạn san hô ở đây thuộc kiểu cấu trúc rạn riềm điển hình (typical fringing reef) với bãi triều rộng và không điển hình (non typical fringing reef) với sườn rạn khá dốc. Độ phủ trung bình của San hô đạt trên 50%. Thành phần loài san hô đã được xác định trên với 342 loài, 61 giống, 17 họ. Có thể nói thành phần loài khu hệ san hô Côn Đảo phong phú và đa dạng vào loại nhất, nhì của Việt Nam.

Hệ sinh thái thảm cỏ biển có vai trò quan trọng ở Côn Đảo với phân bố rải rác nhiều khu vực nhưng tập trung nhất ở vịnh Đông Nam. Cho đến nay, có 11 loài cỏ biển được ghi nhận ở Côn Đảo.

Hệ sinh thái rừng ngặp mặn: Phân bố chủ yếu trong các vịnh Đầm Tre (hòn Côn Sơn); Đầm Quốc, Đầm The (hòn Bà); bãi Bờ Đập, bãi Dương (hòn Bảy Cạnh).  Có 46 loài thực vật phân bố tại rừng ngập mặn Côn Đảo trong đó có 28 loài cây rừng ngập mặn chủ yếu thuộc 14 họ và 18 loài tham gia rừng ngập mặn  thuộc 13 họ.

2. Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi phân bố của các loài cực kỳ nguy cấp, nguy cấp, hoặc sắp nguy cấp, hoặc các quần xã sinh thái đang bị đe dọa: Đã xác định được 67 loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm trong hợp phần bảo tồn biển Côn Đảo trong đó các các loài thú biển lớn như Dugong (Dugong dugon), bò sát như Rùa Xanh (Chelonia mydas), Đồi Mồi (Eretmochelys imbricata). Côn Đảo được biết đến là nơi có số lượng rùa mẹ lên bãi làm tổ đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam, đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến thăm quan, khám phá.

3. VQG Côn Đảo đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động, thực vật có ý nghĩa trong việc duy trì đa dạng sinh học quan trọng tại một vùng sinh địa lý cụ thể: Bò biển (Dugong dugon) thuộc họ Dugongidae, bộ Hải ngưu (Sirenia), là loài thú biển có tên trong sách đỏ của Việt Nam, sách đỏ IUCN và Công ước CITES, là loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Tại Việt Nam đã xác định chỉ còn 2 khu vực có Bò biển xuất hiện, kiếm ăn là vùng biển Côn Đảo và Phú Quốc. Theo các nhà chuyên môn, vùng biển Côn Đảo có khoảng 8 - 10 cá thể Dugong, kết quả khảo sát cũng cho thấy nhiều đường ăn của Bò biển để lại trên thảm cỏ. Nhiều phát hiện đã được ghi nhận cho thấy Chúng thường kiếm ăn tại các thảm cỏ biển ở vịnh Côn Sơn, mũi Tàu Bể - Đất Dốc.

Sự tồn tại của Bò biển tại vùng biển Côn Đảo duy trì chuổi thức ăn dinh dưỡng bậc hai trong hệ sinh thái biển khơi. Điều này chứng tỏ vùng biển Côn Đảo đang hỗ trợ cho các thảm cỏ biển để duy trì sự tồn tại của loài thú biển quý, hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu và các loài sinh vật sống phụ thuộc vào thảm cỏ biển như các loài rùa biển, cá.

4. VQG Côn Đảo đóng vai trò hỗ trợ cho các loài động thực vật đang trong giai đoạn quyết định trong vòng đời hoặc cung cấp nơi trú ẩn cho các loài này khi chúng gặp điều kiện nguy hiểm: vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh đẻ trứng của 2 loài Rùa biển có nguy có tuyệt chủng trên toàn cầu là Rùa xanh (Chelonia mydas) và Đồi mồi (Eretmochelys imbricata). Hằng năm từ tháng tháng 4 đến tháng 11, có khoảng 350 cá thể rùa mẹ lên bãi đẻ trên 1.000 tổ trứng. Số lượng rùa con được thả về biển trên 100.000 cá thể mỗi năm.

Vườn quốc gia Côn Đảo được đánh giá là nơi đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công chương trình bảo tồn rùa biển của Việt Nam và được sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là nơi thả rùa con về biển nhiều nhất.

Vùng biển Côn Đảo là sinh cảnh quan trọng của Rùa xanh (Chelonia mydas) và Đồi mồi (Eretmochelys imbricata) trong giai đoạn đẻ trứng, nở con.

Hiện nay dịch vụ du lịch xem rùa đẻ trứng và thả rùa con về với biển đang là nguồn thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Côn Đảo, mang lại nguồn thu du lịch và các dịch vụ phục vụ du lịch cho người dân huyện đảo.

5. VQG Côn Đảo là nơi cung cấp nguồn thức ăn quan trọng cho các loài cá, là nơi sinh sản, nuôi dưỡng và đường di cư mà nhờ đó các loài cá có thể sinh sôi nảy nở tại khu đất ngập nước hay ở nơi khác tuỳ thuộc vào điều kiện cụ thể: Đã xác định có hơn 1.700 loài sinh vật tại hợp phần biển Vườn quốc gia Côn Đảo trong đó nhiều loài động, thực vật phù du đây chính là nguồn thức ăn dồi dào cho các loài động vật biển có kích thước nhỏ và có thể xem là mắt xích thức ăn đầu tiên để duy trì chuỗi thức ăn cho các loài sinh vật khác.

 Rừng ngập mặn, cỏ biển cung cấp thức ăn cho các loài quý, hiếm như  rùa biển, Dugong. Hợp phần biển Vườn quốc gia Côn Đảo là nơi uơng nuôi nhiều nguồn giống thủy sản có giá trị từ đó phát tán giống thủy sản ra các vùng biển phía Đông  Nam Việt Nam và của cả khu vực (hiệu ứng tràn).

Vào mùa sinh sản nhiều loài cá sống ở khơi như cá Thu, cá  Nhái vào các rạn San hô, thảm cỏ biển để đẻ trứng. Các loài thân mềm như các loài mực; các loài giáp xác như Tôm hùm, ghẹ…vv cũng vào đẻ ở các rạn san hô xung quanh Côn Đảo. Đây chính là nguồn cung cấp giống thủy hải sản dồi dào cho ngư dân huyện đảo, nếu chúng ta biết bảo vệ khai thác hợp lý thì đây sẽ là nguồn tài nguyên vô tận.

Đình Trung


Written : admin


Copyright © 2018 Con Dao National Park