CÔN ĐẢO, THỨC DẬY MỘT TIỀM NĂNG

Thứ ba, 27/11/2007, 10:34 GMT+7

Côn Ðảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn là huyện duy nhất của Việt Nam không có đơn vị hành chính cấp phường, xã mà được chia thành 9 khu dân cư. Với tiềm năng vốn có cùng chiến lược phát triển, "Ðảo ngọc" giữa biển đang dần tỏa sáng. Từ định hướng phát triển du lịch Con đường nhựa độc đạo dài gần chục cây số từ cảng Bến Ðầm về trung tâm hành chính huyện, những ngôi nhà cổ kính nằm xen kẽ nhà kiến trúc hiện đại tạo nên bộ mặt mới của Côn Ðảo. Ði trên tuyến đường lớn ven biển mang tên người chiến sĩ cách mạng Tôn Ðức Thắng, dưới những tán lá bàng hàng trăm năm tuổi, ông Võ Ái Dân, người cựu tù chính trị kiên trung quê Bến Tre từng bị tù đầy ở Côn Ðảo gần 15 năm không khỏi ngạc nhiên về sự thay da đổi thịt của chốn ngục tù xưa.

Ông nói: "Sau ngày giải phóng, Côn Ðảo hầu như không có cơ sở kinh tế nào. Ðây là lần thứ hai tôi quay trở lại đây, nhiều công trình được mở rộng và xây mới, bưu điện và trường học khang trang...".

Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, Côn Ðảo đã tìm cho mình những hướng đầu tư thích hợp như phát triển tiềm năng du lịch và kinh tế biển. Lượng khách du lịch đến với Côn Ðảo ngày càng nhiều. Năm 1991 chỉ có 1.000 khách du lịch thì năm qua Côn Ðảo đã đón hơn 17.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan.

 Trước mắt còn nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ Côn Ðảo lại có nhiều cơ hội và điều kiện phát triển như bây giờ. Dấu ấn quan trọng nhất để thúc đẩy kinh tế du lịch tại Côn Ðảo là Ðề án phát triển kinh tế-xã hội huyện Côn Ðảo đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2005 nhằm xây dựng Côn Ðảo trở thành khu kinh tế du lịch và dịch vụ chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế, gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam cũng như nâng cao giá trị vườn quốc gia Côn Ðảo.

 Ông Bùi Văn Bình, phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Côn Ðảo khẳng định: "Ðây là một hướng phát triển quan trọng nhằm đánh thức tiềm năng kinh tế du lịch Côn Ðảo".

... đến khai thác tiềm năng

Nhắc tới Côn Ðảo là nhắc tới bảo tàng của ý chí cách mạng Việt Nam, nổi tiếng với hệ thống nhà tù được xây dựng từ hơn một thế kỷ nay được chú ý bảo tồn thành địa chỉ tham quan, về nguồn cho khách du lịch trong và ngoài nước. Việc khai thác các điểm di tích lịch sử cách mạng ở Côn Ðảo giúp thế hệ hôm nay tìm hiểu quá khứ hào hùng của cha ông. Ngoài ra, Côn Ðảo còn hấp dẫn với hơn 200 km bờ biển, trong đó có những bãi tắm tuyệt đẹp, còn đậm nét hoang sơ như Ðầm Trầu, bãi Vông, bãi Nhát, bãi An Hải...

Những thế mạnh này là tiền đề để Côn Ðảo nhanh chóng phát triển các loại hình du lịch sinh thái như ngắm cảnh, thư giãn, câu cá, leo núi, lặn biển, du lịch kết hợp nghiên cứu khoa học.

Hoạt động du lịch này khiến Vườn quốc gia Côn Ðảo có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách. Vườn được Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đánh giá là một trong những khu bảo tồn sinh học đa dạng và phong phú.

Rừng Côn Ðảo có 882 loài thực vật, gần 150 loài động vật, 1.300 loài sinh vật biển, trong đó có hơn 100 loài động thực vật hoang dã được liệt kê trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới như sóc đen Côn Ðảo, chim gầm ghì trắng, chim điên mặt xanh, thạch sùng có cánh...

Từ 10 năm nay, rùa biển Côn Ðảo được bảo vệ tại năm trạm cứu hộ và 14 bãi đẻ trên các hòn đảo. Trung bình mỗi năm có 80 nghìn rùa con ở các trạm ấp trứng được các nhân viên của Vườn quốc gia thả ra biển. Theo ông Huỳnh Văn Hùng, cán bộ Vườn quốc gia Côn Ðảo, hiện nay đây là nơi đầu tiên ở Việt Nam rùa mẹ được đeo thẻ để theo dõi đường di cư và vùng tìm thức ăn sau mùa sinh sản.

Chuẩn bị cho một mùa rùa đẻ, Vườn quốc gia Côn Ðảo phải huy động anh em làm việc cả đêm mới có thể di dời hết những tổ trứng rùa ở trên bờ về nơi an toàn. Anh Hùng chia sẻ: "Có đêm có đến gần 30 cá thể rùa mẹ lên đẻ trứng ở bãi Cát Lớn, hòn Bảy Cạnh, như thế ba anh em phải thức trắng đêm. Nhưng với chúng tôi, đây cũng là thời điểm vui nhất trong năm". Vườn quốc gia cũng bảo vệ chặt chẽ dugong hay còn gọi là bò biển, loại động vật biển quý hiếm, hiện còn rất ít trên thế giới.

Dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và ven biển Côn Ðảo cũng đang được thực hiện với sự giúp đỡ của Quỹ Môi trường toàn cầu và chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) có sự tham gia của cộng đồng địa phương nhằm tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế từ hoạt động du lịch sinh thái.

Ðiểm nhấn thu hút đầu tư

Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn giống bởi ngọc trai Côn Ðảo bị người dân khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, năm 2004, Công ty Ngọc Trai Côn Ðảo là cơ sở đầu tiên thành công nhân giống con trai. Chủ của cơ sở này là Jordan Lee, một người Australia đã cho thả toàn bộ số trai mới được nhân giống trở về với biển. Sau sáu năm lập trại giống trai ở Côn Ðảo, bằng kinh nghiệm và kỹ thuật của mình, có khoảng 100 triệu con trai giống được anh nhân giống. Ðến nay, số trai sau khi cấy ngọc đưa vào nuôi thả đã bắt đầu cho thu ngọc thành phẩm.

Chị Phạm Thị Cúc, vợ Jordan cho biết: "Riêng năm 2006, công ty tổ chức thu mua được trên 10.000 con của ngư dân đánh bắt về để cấy ngọc. Giá thu mua khoảng từ 70 đến 80 nghìn đồng/kg (từ 2-4 con/kg)". Thực tế là hàng trăm hộ ngư dân ở Côn Ðảo sống được nhờ lợi nhuận từ nguồn thủy sản này. Trong khi đó, Côn Ðảo phù hợp nuôi các loại trai như xác vàng, xác đen, ngọc nữ. Anh được coi là "vị cứu tinh" cho giống ngọc trai ở Côn Ðảo. Theo anh, chất lượng ngọc nuôi trên vùng biển Côn Ðảo hơn hẳn những vùng biển khác ở Việt Nam cả về độ bóng lẫn ánh xà cừ, không thua kém ngọc của các nước đã nổi tiếng với nghề nuôi trai lấy ngọc trên thế giới. Việc Côn Ðảo nhân tạo trai giống thành công không những đáp ứng được nhu cầu sản xuất lâu dài mà còn giúp cân bằng sinh thái môi trường biển.

Nhận thấy được hiệu quả trong việc phát triển và nuôi ngọc trai, một cơ sở ngọc trai mới được đầu tư xây dựng ở Côn Ðảo. Hy vọng, tiềm năng ngọc trai tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều người dân Côn Ðảo.

Niềm vui mới của gần 6.000 người dân Côn Ðảo là công trình nâng cấp Nhà máy điện An Hội với công suất 3MW/giờ, vừa được khánh thành, gấp năm lần công suất từ sau năm 1975. Nhu cầu sử dụng điện của Côn Ðảo sắp tới rất cao, nhất là khi hàng loạt dự án du lịch lớn phù hợp với chiến lược phát triển được xây dựng và đi vào hoạt động. Theo kế hoạch, dự án xây dựng nhà máy điện gió có công suất 6MW tại mũi Chim Chim phối hợp với các chuyên gia của Thụy Sĩ có tổng vốn đầu tư khoảng 19 triệu USD sẽ không chỉ đáp ứng nhu cầu về điện mà còn thu hút du khách đến đảo tham quan. Tháp gió cao 80 m được lắp đặt ngọn đèn biển là giải pháp an toàn cho tàu thuyền đi lại vào ban đêm. Ngoài ra, năng lượng dư thừa của nhà máy trong mùa gió mạnh có thể dùng vào việc xử lý nước tinh khiết, xử lý nước thải, rác thải...

Ðể phát triển Côn Ðảo một cách toàn diện nhằm hỗ trợ du lịch, khai thác tiềm năng kinh tế biển và thu hút đầu tư, huyện đang ưu tiên tập trung đầu tư cho giao thông. Các tuyến đường giao thông xuyên đảo, đường bộ vòng quanh đảo, giữa đảo Côn Sơn với các đảo nhỏ khác cũng được liên tục xây dựng nâng cấp và mở rộng để đón 200-250 nghìn lượt khách vào năm 2010 và 500-700 nghìn lượt khách vào năm 2020. Với tiềm năng tự nhiên phong phú đang dần được khai thác, Côn Ðảo vững bước đi lên và trong tương lai không xa sẽ trở thành "Ðảo ngọc", một điểm sáng kinh tế - du lịch lịch sử và sinh thái của vùng biển phía đông nam Tổ quốc.


Người viết : admin


Copyright © 2017 Vườn Quốc Gia Côn Đảo